Thu thập, tuyển chọn và nghiên cứu các quy trình nhân giống, nuôi trồng một số giống hoa sen có giá trị tại Phú Thọ

Sen là một trong 12 loài thủy sinh được trồng từ cách đây 3000 năm, có nguồn gốc từ các nước châu Á nhiệt đới, ngày nay được trồng phổ biến tại Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ôxtraylia…và từ lâu cây sen và nghề trồng sen đã có mặt ở Việt Nam.

Phải khẳng định: Sen là cây có giá trị dinh dưỡng, y học và văn hóa thẩm mỹ. Hiên nay, Trung Quốc là nước sản xuất sen lớn nhất thế giới với diện tích 133.400 ha, chủ yếu để lấy củ. Nhật Bản trồng sen với mục đích làm hoa cảnh và lấy củ. Cùng với khai thác củ, sen còn được trồng để lấy hạt, hiện nay thị trường thế giới có nhu cầu rất lớn.

Với Việt Nam, ngoài giá trị thẩm mỹ (sử dụng hoa cắt cành, cây hoa làm cảnh quan), sen còn được dùng làm thực phẩm, dược liệu, hương liệu, nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của khách du lịch. Sen được trồng khắp cả nước. Vùng sen nổi tiếng ở nước ta là Đồng Tháp Mười; ngoài ra, các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng trồng sen với những địa phương có vùng sản xuất sen hàng hóa lớn như Bình Thuận, Hưng Yên…

Tại Phú Thọ, diện tích trồng sen hiện nay chưa nhiều, chỉ khoảng hơn 30 ha, được trồng rải rác ở thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông. Sen hiện có ở tỉnh ta đa số là các giống sen cũ với các đặc điểm thuộc tính như: cánh hoa mỏng, nhanh tàn, năng suất thấp, thời gian thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế chưa cao. Các tiến bộ kỹ thật canh tác chưa được áp dụng.

Từ kết quả điều tra, đánh giá thực tế về tiềm năng sản xuất, giá trị kinh tế, nhu cầu thị trường, tháng 4 năm 2020, Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam và Viện Nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam đã “thu thập, tuyển chọn và nghiên cứu các quy trình nhân giống, nuôi trồng một số giống hoa sen có giá trị kinh tế tại tỉnh Phú Thọ”. Nội dung nghiên cứu này là đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh được Sở Khoa học và công nghệ phê duyệt với mục tiêu thu thập 20 giống hoa sen để tuyển chọn được từ 6-8 giống mới có triển vọng; nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch các giống sen mới; xây dựng mô hình trồng sen chậu quy mô 1.000 m2 (tương đương 2.000 chậu sen) tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao Phú Thọ; xây dựng 2 mô hình trồng sen với diện tích 1 ha (quy mô 2.000 cây giống) trong ao hồ tại Khu Di tịch Lịch sử Đền Hùng và Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao Phú Hộ.

Dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Đặng Văn Đông – chủ nhiệm đề tài – Trong 15 tháng qua, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát thông tin trên quy mô rộng; thu thập, khảo nghiệm, tuyển chọn giống hoa sen trồng chậu và trồng trong ao hồ; nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống các sen có nhiều triển vọng và quy trình sản xuất hoa sen thương phẩm.

Theo tư liệu của nhóm nghiên cứu, qua quá trình điều tra, khảo sát cho thấy các giống sen khá phong phú, tạm chia thành hai quần thể: Quần thể hoa to vừa và quần thể hoa nhỏ. Trong mỗi quần thể lại bao gồm loại ít cánh, loại nhiều cánh, loại biến đổi nhị đực thành cánh, loại noãn đặc biệt với các mầu đỏ, đỏ nhạt, hồng, trắng. Từ đó, xác định phương pháp khai thác và sử dụng nguồn gen bằng tuyển chọn, phát triển các giống nhập nội; chọn lọc, phục tráng, cải tiến nguồn gen sen địa phương; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác.

PGS, TS Đặng Văn Đông – chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Phú Thọ có nhiều ao hồ, ruộng trũng, lại nằm trong vùng nhiệt đời gió mùa, có mùa đông lạnh; nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, lượng mưa trung bình từ 1.600-1.800 mm/năm, độ ẩm trung bình tương đối lớn… thuận lợi cho cây trồng, trong đó có các giống hoa sen. Đề tài nghiên cứu này đã cho kết quả bước đầu khả quan về tuyển chọn, nhân giống và xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác thâm canh sử dụng công nghệ cao đối với 8 giống sen có ưu thế về năng suất, chất lượng để dần thay thế các giống sen cũ và lối trồng quảng canh.

Mùa hè vừa qua, tại hồ Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao Phú Hộ đã trồng khảo nghiệm và thử nghiệm một số giống sen cho cánh to, nhiều cánh, cánh dày, màu thắm, bền hoa; một số giống cánh nhỏ, cây nhỏ, hoa đẹp và bền trồng trong chậu làm tiểu cảnh.

Bà Nguyễn Thị Tâm- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Giống – Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam – đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu này – cho biết: Từ những kết quả bước đầu, thời gian còn lại của năm 2021, nhóm thực hiện đề tài tiếp tục hoàn chỉnh công tác nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm khoa học ứng dụng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển diện tích trồng sen với các giống mới có năng suất, chất lượng cao và áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiệu quả cao.

Trồng sen không những có được những sản phẩm vật chất cụ thể về củ, thân, lá, hoa… mà còn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái làm tiền đề phát triển du lịch. Quá trình nghiên cứu phát triển cây sen và ngành trồng, chế biến các sản phẩm từ sen đang mở ra triển vọng mới để trong tương lai không xa, sen sẽ trở thành “Quốc hoa” của Việt Nam.

NGUYỄN SẢN

Bài viết liên quan
Đặt bàn